Thông tin Thống kê trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và minh bạch***** Các tổ chức, cá nhân sử dụng số liệu thống kê phải được sự đồng ý của cơ quan thống kê và phải ghi rõ nguồn số liệu đồng thời chịu sự điều chỉnh theo luật thống kê đối với số liệu thống kê được sử dụng

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

 Thống kê Bến Lức

 TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI  

THÁNG 02 NĂM 2023

 


Thực hiện Nghị Quyết huyện Đảng bộ huyện Bến Lức, Nghị Quyết HĐND huyện và Quyết định số 127/QĐ-UBND, ngày 10/01/2023 của UBND huyện Bến Lức về chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đến nay huyện Bến Lức thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản như sau:

A.  VỀ KINH TẾ

I.    Sản xuất Nông lâm thủy sản

Tình hình sản xuất vụ Đông xuân 2022-2023 trên địa bàn huyện được quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ. Khí hậu, thời tiết thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, giá cả một số nông sản tăng so cùng kỳ giúp người dân phấn khởi tiếp tục lao động sản xuất. Tuy nhiên, diện tích sản xuất cây hàng năm vụ Đông xuân trên địa bàn huyện giảm so với cùng kỳ do chuyển sang một số cây lâu năm khác, đất phi nông nghiệp, bỏ vụ, và một phần diện tích do người dân chưa chọn được cây trồng phù hợp thay thế. Quy mô đàn vật nuôi giảm do chi phí thức ăn tăng cao và nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát đã ảnh hưởng đến khả năng tái đàn. Cụ thể:

1.      Trồng trọt

Diện tích cây hàng năm vụ Đông xuân toàn huyện gieo trồng 5.146,39 ha, giảm 440,46 ha so với cùng kỳ. Trong đó:

Cây lúa: Vụ Đông xuân gieo xạ 4.721 ha, giảm 306 ha so cùng kỳ (cùng kỳ 5.027,05ha), chủ yếu giống ST24, Nàng hoa 9, RVT, OM4451. Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn thu hoạch, năng suất ước đạt 50 tạ/ha, sản lượng bình quân đạt 23.605 tấn. Giá lúa tăng từ 500đ – 1.500đ/kg so cùng kỳ, người nông dân phấn khởi, vui mừng vì được giá (ST24, ST25 giá từ 7.000đ – 7.300đ/kg).

Rau màu: Diện tích gieo trồng vụ Đông xuân 105,36 ha rau màu các loại, giảm 13,69 ha so cùng kỳ. Chủ yếu tập trung ở các xã Long Hiệp, Phước Lợi, Nhựt Chánh.

Cây chanh: Diện tích gần 6.761 ha trong đó diện tích cho sản phẩm là 5.782,7ha, năng suất bình quân là 168,97 tạ/ha, sản lượng 97.713 tấn. Giá chanh hiện nay từ 18.000đ – 21.000đ/kg loại chanh không hạt.

Các loại cây trồng khác: khóm 179 ha; ổi 220,2 ha; mai 556,2 ha, mì 468,41 ha v.v….

2.      Chăn nuôi

Triển khai thực hiện các kế hoạch truyền thông, phòng chống dịch bệnh và khử trùng tiêu độc trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn. Khuyến khích áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các mô hình trang trại khép kín, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Kết quả thực hiện như sau:

Tổng đàn gia cầm: Tính đến thời điểm 01/01/2023 tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện có 1.160.060 con (giảm 24,76% so cùng kỳ). Trong đó trang trại Ba Huân là 859.444 con (giảm 15,83%); trang trại Deheu là 106.080 con (giảm 59,37%) so cùng kỳ.

Đàn gia súc: Tổng đàn gia súc tính đến thời điểm 01/01/2023 là 4.438 con (giảm 36,48% so cùng kỳ). Trong đó đàn trâu 33 con (giảm 23,25%); đàn bò là 2.214 con (giảm 7,71%); đàn lợn là 2.191 (giảm 51,79%) so cùng kỳ.

3.    Công tác thủy lợi nội đồng

Hiện nay, tình hình xâm nhập nước mặn trên hệ thống sông Bến Lức đã bắt đầu, độ mặn dao động từ 0,6-1,2g/l. Huyện chỉ đạo các ngành liên quan cùng UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình chất lượng nước kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên các đài truyền thanh huyện, xã về tình hình chất lượng nguồn nước; khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra độ mặn trước khi đưa nước vào ruộng tưới tiêu.

4.   Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới

Ngày 24/2/2023 huyện đã tổ chức lễ công bố xã Thạnh Hòa đạt chuẩn NTM 2022, và hiện nay đang thực hiện kiểm tra xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Huyện ủy, trong đó hoàn thành xã nông thôn mới năm 2023 đối với xã Tân Hòa và nông thôn mới nâng cao xã Mỹ Yên theo lộ trình. Bình quân các tiêu chí xã Nông thôn mới đạt 18/19 tiêu chí.

5.   Về Chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2023

Thực hiện Đề án thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Bến Lức năm 2023 theo Kế hoạch số 637/KH-UBND ngày 07/2/2023 của UBND huyện đạt 445 ha chanh ƯDCNC[1], lũy kế đến năm 2023 đạt 2.180 ha.

Bên cạnh đó, huyện đang triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng vùng sản xuất chanh ứng dụng công nghệ cao năm 2023 theo Kế hoạch số 151/KH-TTBVTVQLCL ngày 27/01/2023 của Chi cục Trồng Trọt, BVTV và QLCL nông sản.

II.     Sản xuất công nghiệp – xây dựng

Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong tháng trên địa bàn huyện có phần chậm lại, một số sản phẩm chủ yếu sản xuất trong tháng 02 giảm 20,3% so tháng trước và tăng 50,6% so cùng kỳ. Mặt dù sản xuất gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, chi phí đầu vào tăng, nhiều doanh nghiệp cắt giảm giờ làm, giảm nhân công, hàng tồn kho nhiều. Tuy nhiên, với các chính sách thăm hỏi, động viên của tỉnh, huyện đã giúp doanh nghiệp có thêm động lực tiếp tục hoạt động sản xuất.

Mặt dù hoạt động sản xuất có phần chậm lại nhưng sản xuất công nghiệp vẫn là động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện, sản phẩm sản xuất vẫn tăng so với cùng kỳ và dự kiến sẽ phục hồi trong quý II tạo đà cho sản xuất công nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng tăng như: Dệt vải (14,9%); giày dép (22%); sản phẩm gỗ (16,12%); sắt thép (14,8%), và một số sản phẩm chủ yếu giảm như: nước đóng chai (2,3%); dây cab điện (7,6%); dầu nhớt bôi trơn (31,5%); thức ăn gia súc (7,2%).v.v...

Kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp được chú trọng đầu tư ngày càng hoàn thiện, các thủ tục hành chính được rút gọn, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trên địa bàn gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp của địa phương.

III.  Thương mại – dịch vụ

Hoạt động thương mại – dịch vụ diễn ra khá sôi động, các cửa hàng tiện ích, siêu thị cung cấp hàng hóa dồi dào, phong phú và đa dạng nhiều chủng loại đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay trên địa bàn có 13 cửa hàng Bách hóa xanh, 3 cửa hàng Winmart, 3 cửa hàng San Hà, 1 siêu thị Sài gòn Co.op, các siêu thị điện máy xanh, điện máy chợ lớn và một số chợ truyền thống.v.v... đảm bảo cung cứng hàng hóa và phục vụ và nhu cầu mua sắm của người dân. Mặt dù hoạt động diễn ra sôi động tuy nhiên tình hình kinh doanh trong tháng của một số cửa hàng tiện ích có doanh thu giảm từ 10% - 20% so với tháng trước (theo báo cáo từ chuổi cửa hàng Bách Hóa xanh) nguyên nhân do sau Tết người dân thường đi lễ hội, du lịch, tháng chay hoặc một số mặt hàng tiêu dùng mua dự trữ Tết vẫn còn nên sức mua tháng 2 có giảm.

Theo đó, Tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu và dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 2.697,752 tỷ đồng, tăng 22,82% so cùng kỳ và tăng 2,2% so với tháng trước. Trong đó Tổng mức bán lẻ đạt 2.192,102 tỷ đồng tăng 2,4% so tháng trước và tăng 21,06% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 505.650 tỷ đồng tăng 1,56%/tháng trước và tăng 31,08%/cùng kỳ. Nhóm hàng có doanh thu tăng so cùng kỳ là đồ dùng trang thiết bị gia đình; vàng bạc, đá quý; bán lẻ ô tô, xe máy.v.v...

Các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống đa dạng và phong phú nhất là diễn ra vào các buổi chiều tối và cuối tuần tại các khu dân cư trung tâm.

Hạ tầng giao thông dần được hoàn thiện đáp ứng nhu cầu vận chuyển và trao đổi hàng hóa giữa các địa phương. Các Ngân hàng, CN Ngân hàng hoạt động có hiệu quả đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho người dân cũng như các tiểu thương an toàn trong việc mua bán tại chợ Bến Lức, huyện đang xây dựng kế hoạch di dời và sửa chữa trong thời gian tới.

Công tác phòng chống hàng gian, hàng giả và buôn lậu được huyện thường xuyên quan tâm và kịp thời chỉ đạo xử lý các trường hợp gian lận trong thương mại.

IV.   Thu chi ngân sách

Số thu tháng 02/2023 ước đạt là 88.725  triệu đồng, đạt 10,5 % dự toán pháp lệnh

Tổng chi ngân sách ước đạt 95  tỷ đồng, đạt 13 % dự toán

Trước tình hình thu đạt thấp so với cùng kỳ, huyện đã họp BCĐ đôn đốc thu để tìm ra nguyên nhân đưa ra giải pháp thu đạt kết quả cao trong tháng tới và phấn đấu trong quý I/2023 đạt 25% dự toán thu NSNN trên địa bàn.

B.       VỀ VĂN HÓA-XÃ HỘI

I.    Giáo dục đào tạo

Hiện nay huyện chỉ đạo ngành chức năng tập trung hướng dẫn các em học sinh để chuẩn bị cho kỳ thi giữa kỳ II và tăng cường hướng dẫn ôn tập cho các em cuối cấp.

Bên cạnh đó việc xã hội hóa giáo dục không ngừng được mở rộng và được sự quan tâm bằng nhiều hình thức cũng như nguồn lực đã góp phần xây dựng và sử dụng tốt nguồn, tạo được động lực và niềm tin trong học tập.

Chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao về chất lượng và trình độ. Cơ sở vật chất được đầu tư và đạt chuẩn Quốc gia theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện vẫn còn thiếu khá lớn (trên 100 giáo viên các cấp). Huyện đã tổ chức nhận hồ sơ và chuẩn bị kỳ thi tuyển giáo viên để đáp ứng nhu cầu về giáo viên trên địa bàn huyện.

II.     Y tế - sức khỏe

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam  (27/02/1955 - 27/02/2023). Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức Hội nghị tọa đàm nhằm tôn vinh, khuyến khích những đóng góp và cống hiến của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong ngành y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt là những đóng góp to lớn trong công tác phòng chống dịch Covid-19; Với ý nghĩa sâu sắc đó,

Chất lượng đội ngũ y bác sĩ, công tác khám và điều trị ngày càng nâng cao đáp ứng kịp thời công tác khám và điều trị. Đặc biệt là tuyến cơ sở ngày càng tăng lên số lượng khám và điều trị. Chủ động triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19, duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên, kiểm soát tốt dịch Sốt xuất huyết và không để tình trạng Sốt xuất huyết thành ổ dịch trên địa bàn.

Huyện chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với ngành chức năng cùng UBND các xã thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý và có biện pháp phòng ngừa trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1) để có phương án về thuốc, nhân lực, kinh phí.v.v… để phòng chống có hiệu quả.

Công tác kế hoạch hóa ngày càng mở rộng, chất lượng thực hiện ngày càng tăng, tỉ lệ sinh con thứ 3 giảm, các biện pháp tránh thai ngày càng sử dụng hiệu quả và đạt kế hoạch.

III.  Văn hóa- Thể dục thể thao

Công tác thông tin tuyên truyền được quan tâm thực hiện kịp thời bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; dịch Cúm gia cầm độc lực A (H5N1).

Tăng cường tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện nổi bật trên địa bàn huyện cùng các tin tức hàng ngày trên hệ thống thông tin truyền thanh của huyện, xã, ấp.

Công tác kiểm tra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dịch vụ được duy trì góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân nhất là các hoạt động Karaoke di động.

Bên cạnh đó Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm80 năm ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam” và hưởng ứng, chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. UBND huyện Bến Lức tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu lịch sử, văn hóa và gia đình” năm 2023 nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển con người Việt Nam có nền văn hóa tiên tiến, đạm đà bản sắc dân tộc.

IV.    Lao động – TB xã hội

Thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xuất khẩu lao động đạt kết quả. Giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp lao động tập thể.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ đối với người có công và bảo trợ xã hội; đảm bảo an sinh xã hội như; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm thất nghiệp, vay vốn giải quyết việc làm, giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở, trợ cấp thường xuyên, đột xuất. Quan tâm công tác bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới.

Có kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội cho người có công, người hưởng chính sách bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động trên địa bàn huyện.Tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết hoàn thành đúng theo kế hoạch đã đề ra

V.      An ninh quốc phòng

Công tác đảm bảo an toàn giao thông được tăng cường, thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm và các tuyến đường giao thông nông thôn, đảm bảo an toàn giao thông thông suốt, không xảy ra tình trạng ùn tắt giao thông nhất là tăng cường ra quân kiểm tra nông độ cồn của người tham gia giao thống.

Huyện đã tổ chức nghị tổng kết công tác phối hợp thực hiện Nghị định 03 của Chính phủ năm 2022 và giao ban tháng 2/2023 giữa Công an – Quân sự - Biên phòng.

Quốc phòng an ninh luôn được giữ vững, phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc được thực hiện tốt, an toàn giao thông được đảm bảo, tai nạn đã giảm, góp phần tích cực cho kinh tế xã hội phát triển, động viên thi đua hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trên đây là báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 02/2023 trên địa bàn huyện./.



[1] Trong đó xã Thạnh Lợi 110 ha, xã Thạnh Hòa 130 ha, xã Lương Hòa 70 ha, xã Bình Đức 60 ha, xã Lương Bình 50 ha, xã Tân Hòa 20ha và xã An Thạnh 5 ha;

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét