Ngành Thống kê khẳng định vai trò quan trọng trong xây dựng đất nước
Năm 2022, trước khó khăn và thách thức của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới, nhiệm vụ cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước của ngành Thống kê là hết sức nặng nề. Ngay từ đầu năm 2022, thực hiện phương châm hành động của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” và theo sát kế hoạch hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ; sự ủng hộ, phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và người sử thông tin thống kê trong và ngoài nước, ngành Thống kê đã phát huy tinh thần chủ động, đoàn kết, trách nhiệm, tiếp tục đổi mới, khắc phục khó khăn, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong toàn Ngành nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác theo đúng tinh thần chủ đề của Ngành đã đặt ra là “Chủ động đổi mới và thích ứng, tạo động lực đột phá cho hoạt động thống kê”.
Năm 2022, toàn ngành Thống kê đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đặt ra và nhiệm vụ đột xuất được giao. Một số kết quả chủ yếu bao gồm:Một là, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Thống kê sửa đổi; thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các đề án lớn của Ngành.
Với sự quyết liệt của Lãnh đạo, tinh thần chủ động, công tác xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý về hoạt động thống kê đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, Tổng cục Thống kê đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP); đã hoàn thiện khâu cuối cùng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản: Quyết định Chương trình điều tra thống kê quốc gia (thay thế Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg); Quyết định quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (thay thế Quyết định 54/2016/QĐ-TTg). Bên cạnh đó, hoàn thiện dự thảo Nghị định Chế độ báo cáo cấp quốc gia (thay thế Nghị định số 60/2018/NĐ-CP), đang tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các đơn vị và tổ chức họp với bộ, ban, ngành; trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 22/2022/TT-BKHĐT ngày 09/12/2022 hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng thống kê Nhà nước …
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 có vai trò cực kỳ quan trọng trong định hướng phát triển của Ngành nói riêng và các Bộ, ngành, địa phương, ý thức được tầm quan trọng đó, ngành Thống kê đã tập trung nhiều công sức, nỗ lực thực hiện hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược Thống kê của đơn vị; hoàn thiện và trình Chính phủ 02/03 đề án thuộc Chiến lược Thống kê, đó là các Đề án: Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia; Đề án Tư liệu hóa và Chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia.
Bên cạnh đó, thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, Ngành đã triển khai Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin như: Dự án “Xây dựng Hệ thống sản xuất thông tin thống kê điện tử, ‘‘Xây dựng và vận hành kho dữ liệu đặc tả thống kê và hệ thống kho dữ liệu thống kê vi mô”; xây dựng Trung tâm dữ liệu thống kê quốc gia; Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành; chế độ báo cáo cấp tỉnh, huyện, xã tần suất nhanh (trực tuyến) phục vụ công tác quản lý điều hành từ trung ương đến địa phương.
Để thống kê đầy đủ bức tranh kinh tế xã hội nhằm có được số liệu xác thực nhất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, quản, lý, xây dựng chính sách của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương, Ngành đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (NOE), hoàn thiện các báo cáo năm 2021 trình Thủ tướng Chính phủ; tài liệu đo lường khu vực phi chính thức và phương pháp thống kê hoạt động của khu vực này ở Việt Na
Hai là, ngành Thống kê đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê kinh tế - xã hội phục vụ lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế
Năm 2022, kinh tế thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường; lạm phát cao, tăng trưởng thấp; cạnh tranh chính trị, xung đột vũ trang; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu…. Điều này đã tác động đến tình hình kinh tế trong nước và ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Thực trạng đó khiến cho những người làm công tác thống kê từ Trung ương tới địa phương, từ lãnh đạo cho tới từng công chức, viên chức phải cực kỳ nỗ lực trong triển khai nghiệp vụ thống kê, trong tổng hợp, phân tích dữ liệu, xây dựng kịch bản tăng trưởng, kịch bản giá … nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê kịp thời phục vụ công tác quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước ở các cấp.
Bên cạnh việc ước tính các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, lao động việc làm chủ yếu năm 2022, Tổng cục Thống kê liên tục xây dựng, rà soát và cập nhật các kịch bản kinh tế về GDP, GRDP, lạm phát năm 2022 và năm 2023; cung cấp thông tin phục vụ họp ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ.
Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành Trung ương, sở ngành ở địa phương được thực hiện thường xuyên, liên tục, phục vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoặc xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của Bộ, ngành và địa phương. Các nghị quyết phát triển vùng của cả nước hay các quy hoạch phát triển từng tỉnh đều có “bóng dáng” số liệu của ngành Thống kê.
Kết quả hết năm 2022, kinh tế xã hội nước ta đã đạt một số thành tựu rất đáng ghi nhận: Đã hoàn thành 14/15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2022; đặc biệt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 8,02%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn từ 2011-2022. Kết quả này đã khẳng định tính hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đóng góp vào kết quả tươi sáng đó có công sức của tập thể công chức, viên chức, người lao động ngành Thống kê.
Ba là, hoàn thiện xử lý, tổng hợp và công bố kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và các cuộc điều tra thường xuyên, đột xuất theo quy định
Năm 2022, Ngành đã hoàn thành xử lý, tổng hợp, biên soạn kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị công bố kết quả sơ bộ và chính thức Tổng điều tra kinh tế và cơ sở Hành chính năm 2021; xây dựng kho dữ liệu vi mô của Tổng điều tra; trực quan hóa dữ liệu tùy biến- Data Dashboard; hệ thống thông tin địa lý - GIS của Tổng điều tra kinh tế kết hợp với số liệu Tổng điều tra dân số. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Trong năm 2022, Tổng cục Thống kê đã triển khai và thực hiện 28 cuộc điều tra thống kê thường xuyên theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia. Ngoài ra, để phục vụ tốt hơn công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo địa phương, các Cục Thống kê đã thực hiện 49 cuộc điều tra đột xuất hoặc mở rộng mẫu điều tra thường xuyên bằng nguồn kinh phí của địa phương nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.
Năm 2022, Tổng cục đã hoàn thành 20 ấn phẩm và báo cáo quan trọng như: Năng suất lao động giai đoạn 2011-2020 và giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam; ấn phẩm điện tử “Tư liệu Kinh tế - xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; Báo cáo kết quả kiểm kê, đánh giá thực chất tình hình các nguồn lực của nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Báo cáo kết quả kiểm kê, đánh giá thực chất tình hình các nguồn lực của nền kinh tế năm 2021; Sách trắng doanh nghiệp và Sách trắng hợp tác xã năm 2022; 10 ấn phẩm liên quan của Tổng điều tra kinh tế năm 2021; ... |
Bốn là, công tác phương pháp chế độ Thống kê và Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê và công tác chỉ đạo điều hành được chú trọng thực hiện
Công tác phương pháp chế độ thống kê tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác thống kê Việt Nam, tập trung vào nghiên cứu phương pháp luận thống kê mới, hiện đại, giảm thiểu khoảng trống thông tin thống kê, phản ánh công tác chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Ngoài ra, đã hoàn thiện các dự thảo Thông tư bộ chỉ tiêu Tăng trưởng xanh; quy trình sản xuất thông tin thống kê; thực hiện thẩm định nhiều phương án điều tra, kết quả điều tra, thông tư chế độ báo cáo thống kê, hệ thống chỉ tiêu thống kê, các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản khác liên quan tới chế độ báo cáo thống kê do các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Xây dựng tài liệu Hướng dẫn thu thập, tổng hợp và tính thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã - tiêu chí số 10 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê với hơn 65,5% cuộc điều tra được thu thập bằng hình thức Webform hoăc CAPI; xây dựng hệ thống thu thập thông tin của các cuộc điều tra thống nhất theo quy trình về quản lý luồng thông tin, xử lý dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi cho điều tra viên và giám sát viên thực hiện thu thập, xử lý và tổng hợp số liệu thống nhất giữa các cuộc điều tra. Tổng cục Thống kê là đơn vị đứng thứ 08/36 đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin…
Năm là, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê ngày càng được tăng cường, mở rộng; tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác song phương, đa phương với cơ quan thống kê các nước, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức nhằm nâng cao năng lực thống kê Việt Nam
Hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Thống kê tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai theo kế hoạch và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt năm 2022, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê trúng cử vào Hội đồng điều hành SIAP tạo cơ hội tham gia sâu hơn, chủ động hơn đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực; góp phần nâng cao vị thế của Thống kê Việt Nam trong cộng đồng thống kê trong khu vực và trên thế giới.
Sáu là, công tác pháp chế, tuyên truyền và thanh tra thống kê ngày càng được đẩy mạnh
Năm 2022, công tác pháp chế, tuyên truyền và thanh tra thống kê tiếp tục được quan tâm thực hiện. Ngành đã thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền kiến thức thống kê; Kế hoạch tuyên truyền Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thống kê; tuyên truyền Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền kiến thức thống kê theo nhiều hình thức đa dạng.
Đặc biệt trong năm 2022, nhóm diễn đàn“Phổ biến thông tin thống kê” do những người làm trong ngành Thống kê tự nguyện lập ra đã tổ chức thành công cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu Luật Thống kê” trên mạng xã hội, thu hút được trên 5 nghìn người tham gia. Đây là cách làm mới cần được phổ biến và nhân rộng do tính chất tự nguyện, không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án điều tra, chấp hành chế độ báo cáo thống kê, kiểm tra công vụ và kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước được tăng cường với 495 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Các công tác khác như: Công tác tổ chức cán bộ luôn được Tổng cục Thống kê quan tâm, chú trọng, đặc biệt trong việc đào tạo để đảm bảo nguồn nhân lực đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu của hoạt động thống kê trong thời kỳ mới; Công tác quản lý tài chính, đầu tư xây dựng được thực hiện bài bản, đúng quy định.
Trong năm 2022, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai công việc còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: Công việc ngày càng nhiều, yêu cầu thời gian thực hiện gấp; nhân lực, tài lực hạn chế; sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương chưa kịp thời, đầy đủ; một số đơn vị điều tra thiếu hợp tác trong việc cung cấp và chia sẻ thông tin... Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đã nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế tồn tại để đề ra giải pháp phù hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 2023, chủ đề của ngành Thống kê“Ổn định tổ chức, tăng cường năng lực, đẩy mạnh kết nối, nâng cao chất lượng thông tin thống kê”
Năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy, tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành Thống kê cần không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tích cực, chủ động kết nối, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, cá nhân liên quan, nâng cao chất lượng thông tin thống kê, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác, với chủ đề “Ổn định tổ chức, tăng cường năng lực, đẩy mạnh kết nối, nâng cao chất lượng thông tin thống kê”.
Một số nhiệm vụ trọng tâm cần được lưu ý, bao gồm:
Thứ nhất, triển khai thực hiện Luật Thống kê sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tiếp tục thực hiện tốt các Đề án lớn của Ngành
Hoàn thiện Thông tư hướng dẫn thực hiện quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Triển khai Quyết định chương trình điều tra thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Thực hiện và trình ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam thuộc Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thiện khung theo dõi, đánh giá Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thiện các đề án của Chiến lược Thống kê. Khẩn trương nghiên cứu thực hiện chuyển đổi năm gốc năm 2020 để biên soạn các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh, đảm bảo tính nối chuỗi liên hoàn, so sánh của số liệu.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt công tác biên soạn và phổ biến thông tin thống kê, phục vụ lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương
Các đơn vị trong toàn Ngành cần tăng cường bám sát, cập nhật diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước để xây dựng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng, quý và năm 2023 bảo đảm chất lượng và thời gian. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để thu thập, tổng hợp và cung cấp kịp thời các thông tin kinh tế - xã hội; cập nhật kịch bản tăng trưởng, lạm phát theo yêu cầu của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp. Tổng hợp, báo cáo theo Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ban hành theo Quyết định số 288/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ phục vụ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội giữa kỳ giai đoạn 2021-2025.
Thứ ba, hoàn thành công tác kiểm tra, xử lý dữ liệu và tổng hợp số liệu các cuộc điều tra thống kê; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và sản xuất thông tin thống kê; chủ động kết nối, khai thác sử dụng tối đa nguồn dữ liệu hành chính trong công tác biên soạn số liệu thống kê
Tổ chức thu thập thông tin các cuộc điều tra năm 2023 theo phương án quy định bảo đảm kịp thời và đạt chất lượng cao; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thu thập thông tin tại địa bàn theo hình thức trực tiếp và trực tuyến để nâng cao chất lượng thông tin đầu vào. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng các cuộc điều tra và chế độ báo cáo thống kê, đặc biệt chú trọng đến thu thập dữ liệu hành chính từ các sở, ban, ngành ở địa phương, bộ, ngành ở trung ương phục vụ biên soạn các báo cáo thống kê.
Chủ động kết nối, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng hệ thống thông tin thống kê quốc gia đáp ứng yêu cầu của cấp ủy, chính quyền các cấp trong cung cấp và sử dụng số liệu thống kê nhà nước.
Tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống sản xuất thông tin thống kê điện tử; tiếp tục hoàn thiện Quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê với các Bộ, ngành ở trung ương và sở, ban ngành ở địa phương. Thực hiện các dự án công nghệ thông tin của Ngành đảm bảo tiến độ và hiệu quả, đặc biệt hoàn thiện Dự án “Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành; chế độ báo cáo cấp tỉnh, huyện, xã tần suất nhanh (trực tuyến) phục vụ công tác quản lý điều hành từ trung ương đến địa phương” từ nguồn vốn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, thực hiện sắp xếp mô hình, ổn định tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thống kê
Triển khai Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định. Xây dựng kế hoạch luân chuyển, điều động, để triển khai thống nhất; kiện toàn đội ngũ lãnh đạo của các đơn vị trong Ngành. Thực hiện tuyển dụng công chức, thi, xét nâng ngạch theo kế hoạch, Đề án được phê duyệt. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch. Tiếp tục cử công chức, viên chức tham dự các khóa đào tạo trong nước và quốc tế; hoàn thiện Bộ chương trình, tài liệu nghiệp vụ công tác thống kê. Chủ động nghiên cứu, ứng dụng, cập nhật các kiến thức thống kê mới theo thông lệ của thống kê quốc tế phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê, thực hiện tốt vai trò thành viên Hội đồng điều hành của Viện Thống kê Châu Á - Thái Bình Dương
Triển khai kế hoạch đoàn ra, đoàn vào năm 2023 theo kế hoạch; thực hiện các thủ tục/hỗ trợ kết nối các đoàn công tác nước ngoài/dự họp trực tuyến của Tổng cục và các đơn vị tham dự các kỳ họp thường niên của UNSD, SIAP, ESCAP, ASEAN,... và các cuộc họp, hội thảo quốc tế khác. Tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác song phương với Cơ quan Thống kê các nước: Hàn Quốc, I-ta-li-a, Nhật Bản, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ và Lào.
Thực hiện tốt các báo cáo về đối ngoại và hợp tác quốc tế; cung cấp và chia sẻ thông tin, số liệu cho các tổ chức quốc tế, ASEAN, các cơ quan ngoại giao và các đối tượng dùng tin khác.
Thứ sáu, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra hoạt động thu thập thông tin và sử dụng tài chính, tài sản công trong toàn ngành Thống kê
Thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động thu thập, xử lý thông tin các cuộc điều tra nhằm nâng cao chất lượng thông tin đầu vào phục vụ biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp. Thực hiện tốt các dự án đầu tư trung hạn 2021-2025 theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và chủ trương đầu tư dự án đã được phê duyệt bảo đảm tiến độ thực hiện dự án và kế hoạch vốn được giao.
Những thành quả ngành Thống kê đạt được trong năm 2022, là cơ sở tiền đề để toàn ngành bước vào năm 2023 với tâm thế mới cùng những bước đi vững chắc hơn, với mục tiêu ngành Thống kê ngày càng phát triển theo hướng “bài bản, chuyên nghiệp, khoa học” như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Kế hoạch và Đầu tư tháng Một năm 2023 tại Hà Nội./.
TS. Nguyễn Thị Hương
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét